top of page

Diễn biến cuộc Khủng hoảng Tài chính hậu Covid-19?

Năm 2022 kết thúc trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đã tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19, tuy nhiện đây cũng là năm diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng được World Bank dự báo là lớn nhất trong 1 thế kỷ qua.



Cùng theo dõi lại diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu tư thời điểm bùng nổ dịch Covid 19.


Diễn biến giai đoạn 2020 - 2021

Hậu quả kinh tế do việc phong tỏa của các quốc gia do sự bùng bổ dịch Covid-19


Đầu tiên, Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới các đợt phong tỏa quy mô lớn trong thời gian dài của hầu hết các quốc gia trên toàn cầu trong suốt năm 2020 & 2021. Một loạt các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nghiệm trọng nhất phải kể đến là ngày: Du lịch, hàng không, khách sạn, logistics và chuỗi cung ứng. Chính phủ các quốc gia thời gian này đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế thông qua các chương trình hỗ trợ, các gói giải cứu, cùng với đó là mặt bằng lãi suất toàn cầu ở mức rất thấp. Trong suốt 2 năm đại dịch, mức lãi suất cơ bản của FED chỉ là 0.25%.


Như một phản ứng dây chuyền, sự đình trệ trong hoạt động sản xuất và logistics và chính sách nới lỏng tiền tệ đã đẩy giá cả lên cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trên 10% ở nhiều quốc gia, tăng trưởng GDP âm trong nhiều tháng liên tiếp xảy ra ở hầu hết các quốc gia phát triển đẩy các quốc gia này vào một một cuộc suy thoái kinh tế, một cuộc suy thoái kinh tế kỳ lạ nhất từ trước tới nay.


Ở giai đoạn đầu của cuộc suy thoái, thị trường chứng khoán sụp đổ với sự sụt giảm 20-30% của các chỉ số chính trong tháng 2 & 3 năm 2020. Sau đó, luồng tiền mạnh mẽ được bơm ra thị trường từ các gói giải cứu của chỉnh phủ, và sự thúc đẩy của các nền tảng đầu tư trực tuyến đã tạo ra sự tăng trưởng về cả giá trị lẫn số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Rất nhiều chỉ số chứng khoán đã phục hồi hoàn toàn hoặc lập kỷ lục mới trong giai đoạn cuối năm 2020 và trong năm 2021.


Giai đoạn 2022 bị chi phối bởi hai vấn đề lớn: sự gia tăng cực độ của căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hóa.


Đến tháng 4/2022, GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn đã trở lại hoặc vượt quá mức trước đại dịch.


Trong năm 2020 cũng diễn ra cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ảrập Saudi khiến cho giá dầu sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng ngay sau khi Đại dịch qua đi, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu 2021–2022 được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu toàn cầu khi thế giới thoát khỏi suy thoái kinh tế sớm do đại dịch gây ra, đặc biệt là do nhu cầu năng lượng mạnh ở châu Á. Điều này sau đó càng trở nên trầm trọng hơn do phản ứng trước sự leo thang của Chiến tranh Nga-Ukraine, lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh giữa Nga & Ukraine và tình trạng vỡ nợ năm 2022 của Nga.


Trong năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED và nhiều chính phủ các quốc gia đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt với tốc độ nhanh chóng và biên độ ngày càng gia tăng. Chỉ trong vòng 12 tháng, FED đã tăng lãi suất cơ bản tới 4%, từ 0.25% đến 4.25%. Điều này cùng với sự leo thang của giá dầu đã đẩy nhiều quốc gia tới tình trạng lạm phát cao, nghiêm trọng nhất là các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.


Căng thẳng địa chính trị leo thang từ cuộc chiến Nga-Ukraine, lạm phát cao, ngân hàng tăng lãi suất, kết quả kinh doanh không khả quan của nhiều doanh nghiệp lớn, triển vọng kinh tế suy giảm cũng đã dẫn đến sự sụp đổ của hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022. Chỉ số S&P 500 đã suy giảm tới 19.4%, mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 2008 đến nay.


Một số sự kiện quan trọng đánh đánh dấu diễn biến khủng hoảng năm 2022:


Chiến tranh Nga & Ukraine

Ngay khi đại dịch và tác động của nó mới chỉ vừa lắng xuống thì nhân tố căng thẳng địa chính trị gia tăng, đỉnh điểm là xung đột Nga – Ukraine (xảy ra ngày 24/2 và kéo dài đến nay) lại dội gáo nước lạnh khác vào nền kinh tế toàn cầu. Giá nhiên liệu (đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt) và đa số hàng hóa nguyên liệu cơ bản khác tăng vọt; giá lương thực, thực phẩm tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Trong khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hậu COVID đã đẩy lạm phát tăng cao đột biến ở nhiều nền kinh tế chính là những thực tế phản ánh rõ nhất mà thế giới phải trải qua.


Lạm phát cao kỷ lục

Thời điểm cuối năm 2021, nhiều nền kinh tế lớn đã chứng kiến lạm phát lập đỉnh nhiều năm. Tuy nhiên phải đến 2022, người ta mới thực sự lo ngại bóng ma của lạm phát. Những tưởng tình trạng lạm phát cao cuối những năm 1970 chỉ còn là ký ức, thì nay lại ùa về trên thực tế. Lạm phát tại Mỹ, EU, Anh và nhiều nền kinh tế khác tăng lên cao nhất trong nhiều thập kỷ, cao gấp nhiều lần mức mục tiêu mà các NHTW đặt ra. Tuy nhiên lạm phát đã có dấu hiệu giảm đi trong thời gian gần đây.


Theo dữ liệu từ Trading Economics, năm 2022 có tới 43% các quốc gia trên toàn cầu ghi nhận lạm phát hai con số trở lên. Trong đó, xuất hiện các nền kinh tế siêu lạm phát như Zimbabwe, Lebanon và Venezuela với các mức lần lượt là: 269%, 162% và 156%. Tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ được nhiều NHTW thực hiện để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên ngay cả khi thắt chặt mạnh, lạm phát dự kiến phải một thời gian dài nữa mới trở về quanh mức mục tiêu đặt ra.


Toàn cầu thắt chặt tiền tệ

Lạm phát cao đã buộc các NHTW trên toàn thế giới phải tăng nhanh lãi suất để ứng phó. Theo đó, trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – NHTW có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường tiền tệ toàn cầu đã có 7 lần tăng lãi suất chính sách, đưa lãi suất cuối năm 2022 tăng tới 18 lần (lên mức 4,25% - 4,50%) so với thời điểm trước khi có lần tăng đầu tiên vào tháng 3 (mức 0% - 0,25%) và hiện mức cao nhất kể từ năm 2007. Đặc biệt để “bắt kịp” với tốc độ tăng của giá cả, trong 7 lần tăng này Fed đã có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75% - một tốc độ và tần suất tăng chưa từng có tiền lệ.


Trong bối cảnh đó, nếu NHTW các nước không muốn đồng nội tệ suy yếu quá mạnh, thậm chí mất kiểm soát, đồng thời hạn chế đà tăng của giá hàng hóa nhập khẩu do tỷ giá thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cũng phải ít nhiều “đồng thuận” theo đà tăng lãi suất của Fed.


Rủi ro khủng hoảng nợ tăng cao

Thời kỳ “đồng tiền dễ dãi” đã chính thức kết thúc và thắt chặt tiền tệ đã trở thành xu hướng chủ đạo trong năm vừa qua. Lãi suất tăng khiến vay nợ đắt đỏ hơn, kết hợp với đó là đồng nội tệ mất giá, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, lương thực trực chờ xảy ra… đang đẩy hơn 50 nước nghèo đứng trước nguy cơ vỡ nợ và hàng chục nước đang phát triển trước rủi ro khủng hoảng nợ. Trong năm, Sri Lanka vào tháng 4 đã tuyên bố vỡ nợ; Ghana mới đây đã đình chỉ thanh toán đối với hầu hết các khoản nợ nước ngoài, báo hiệu khả năng vỡ nợ cũng cận kề…


Theo ước tính của IMF, có khoảng 70% tổng số nợ ở các nước mới nổi và 85% nợ ở các nước có thu nhập thấp là bằng ngoại tệ. Trong khi đó với lạm phát trên đà giảm nhưng vẫn còn rất cao vào cuối năm 2022, nhiều khả năng các NHTW lớn, chủ đạo là Fed còn tiếp tục lộ trình thắt chặt ít nhất trong nửa đầu năm nay trước khi có bất cứ sự đảo chiều hay dừng lại nào, do đó đang tiếp tục tạo ra rủi ro một cuộc khủng hoảng nợ ở nhiều nước nghèo, nhất là các nền kinh tế đang phát triển vốn phải dựa rất nhiều vào vay nợ ngoại tệ. Nhiều tổ chức, trong đó có Fitch Ratings cảnh báo sẽ có nhiều vụ vỡ nợ xảy ra ở các thị trường mới nổi và quốc gia nghèo vào năm 2023.


Sự sụp đổ của thị trường tiền số

Khởi đầu năm với những dự báo lạc quan nhưng kết thúc năm với những bết bát. Đó là những gì mà thị trường tiền ảo đã trải qua trong năm 2022. Giá đồng Bitcoin có thể ở quanh mức 50.000 USD đến 75.000 USD, thậm chí đạt tới 100.000 USD… là những dự báo được một số tổ chức, cá nhân có tên tuổi trong ngành tài chính đưa ra vào đầu năm. Song thực tế không như kỳ vọng. Thị trường bắt đầu lao dốc không phanh vào tháng 5 khi đồng TerraUSD sụp đổ, kéo theo đồng đồng Luna mất 99,99% giá trị và gây tác động lan truyền ra toàn thị trường. Tiếp đó vào tháng 11, FTX - một trong những sàn giao dịch ảo lớn nhất thế giới - rơi vào khủng hoảng thanh khoản và tuyên bố phá sản tiếp thêm một đòn giáng chí mạng nữa.


Với giao dịch đang quanh mốc 17.000 USD hiện nay, đồng Bitcoin đã “bốc hơi” khoảng 75% giá trị kể từ khi đạt mốc cao nhất gần 69.000 USD vào tháng 11/2021 và khoảng 60% tính từ đầu năm 2022. Là một thị trường ảo nên rất khó để đoán định diễn biến tiếp theo của thị trường tiền ảo trong năm 2023, tuy nhiên khả năng “ngủ đông”, gắn với nhiều cuộc khủng hoảng nữa có thể xảy ra thì đã thấy rõ.


COP27: Thành lập quỹ hỗ trợ “tổn thất và thiệt hại”

Đặt trong bối cảnh địa chính trị vô cùng khó khăn và thách thức năm 2022, việc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP27, tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập tháng 11/2022) nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ “tổn thất và thiệt hại” được xem là một đột phá trong lộ trình đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên các nước phát triển giàu có đồng ý hỗ trợ các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh quỹ này là một bước quan trọng hướng tới công lý cho các nước nghèo đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu dù họ chịu rất ít trách nhiệm về lượng khí thải nhà kính.


Thực tế một lượng lớn phát thải khí nhà kính là do các nước công nghiệp giàu có gây ra và quỹ này sẽ hướng tới chi trả cho những thiệt hại mà các nước nghèo, nước đang phát triển không thể tránh hoặc thích ứng được. Tuy nhiên, những chi tiết của thỏa thuận như: quy mô quỹ; các nguồn huy động cho quỹ; đối tượng nào sẽ đóng góp vào quỹ hay những nước nào sẽ được hưởng lợi; cách thức vận hành quỹ… thì ít nhất phải đến COP28 mới có thể rõ ràng hơn.


Nguồn tham khảo: Corporate Financial Institute, Wikipedia, Thời báo Ngân hàng


8 lượt xem0 bình luận
bottom of page