Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hoạt động quản lý vận hành khách sạn, các đối tác quản lý vận hành khách sạn tại Việt Nam hiện nay.

Quản lý Vận hành khách sạn là gì ?
Quản lý Vận hành Khách sạn là một lĩnh vực kinh doanh và nghiên cứu liên quan tới hoạt động kinh doanh và vận hành khách sạn và một loạt các chủ đề liên quan từ: Kế toán, tài chính, hệ thống thông tin, quản trị nguồn nhân lực, quan hệ công chúng, chiến lược, tiếp thị, bán hàng, … Một đối tác Quản lý vận hành khách sạn sẽ giúp chủ sở hữu khách sạn xây dựng bộ máy nhân sự, áp dụng các quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn chất lượng, và hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu phù hợp, giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh, mang hiệu quả tài chính cho chủ khách sạn. Họ đảm bảo rằng khách sạn được tổ chức và vận hành một cách hợp lý và hiệu quả. Hoạt động này cũng được áp dụng cho bất cứ tài sản nào cung cấp dịch vụ lưu trú như: Resort, Hostel, Motel (Nhà nghỉ), homestay.

Đối tác quản lý vận hành khách sạn là ai ?
Đối tác Quản lý vận hành khách sạn là Tổ chức hoặc Cá nhân cung cấp dịch vụ Quản lý vận hành Khách sạn, sau đây gọi tắt là Nhà quản lý khách sạn. Nhà quản lý khách sạn, với kiến thức và kinh nghiêm trong ngành sẽ giúp Chủ sở hữu khách sạn xây dựng kế hoạch kinh doanh và tổ chức bộ máy vận hành dịch vụ khách sạn nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cho Chủ sở hữu khách sạn.
Ở Việt Nam có những đối tác quản lý vận hành khách sạn nào ?
Các đối tác quản lý và vận hành khách sạn ở Việt Nam bao gồm: Các công ty quản lý vận hành quốc tế, các công ty quản lý vận hành nội địa, và các cá nhân cung cấp dịch vụ vận hành.
1 - Các công ty quản lý vận hành khách sạn quốc tế
Ở thị trường Việt Nam hiện có mặt các tập đoàn quản lý vận hành khách sạn quốc tế hàng đầu như: IHG, Accor, Marriot International, Hilton Worldwide, Hyatt, Wyndham Hotels & Resorts, Best Western, The Ascott… Thông thường, các công ty này sẽ vận hành các khách sạn, resort mang tên thương hiệu thuộc sở hữu của họ.
Ví dụ: Tập đoàn Accor sở hữu thương hiệu Pullman, Novotel, Mgallery, Mercure, Movenpick… Tập đoàn IHG sở hữu thương hiệu Inter Continental, Six Senses, Hotel Indigo,… Tập đoàn Marriot sở hữu thương hiệu: J.W. Marriot, Le Meridien, Westin, Sheraton,…
Có thể thấy là các tập đoàn lớn thường quản lý vận hành hoặc nhượng quyền thương hiệu của họ đối với các dự án khách sạn, resort quy mô lớn, từ vài trăm cho đến hàng nghìn phòng.
2 - Các công ty quản lý vận hành khách sạn Việt Nam
Mặc dù ngành Khách sạn Việt Nam phát triển bùng nổ trong những năm qua nhưng số lượng các công ty quản lý khách sạn không nhiều. Ở phân khúc 4-5 sao, các đối tác quản lý khách sạn quốc tế chiếm đa số thị phần, chỉ có một phần nhỏ thuộc đối tác quản lý khách sạn Việt Nam. Đáng kể đến nhất là hai thương hiệu quản lý khách sạn Vinpearl và Fusion.
Công ty Cổ phần Vinpearl, một thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, là một trong những công ty quản lý vận hành nội địa hàng đầu Việt Nam, sở hữu thương hiệu Vinpearl. Tiền thân của Vinpearl là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập năm 2001.
Fusion Hotel Group (Công ty TNHH Serenity Holding Việt Nam) sở hữu thương hiệu Fusion, Glow và Hiive. Công ty được thành lập năm 2008, sau đó được đầu tư bởi Logis Hospitality Holding Pte Ltd, một liên doanh giữa hai quỹ đầu tư lớn là Vina Capital và Warbug Pincus.
Ngoài hai công ty quản lý khách sạn lớn nói trên thì Việt Nam còn có một số công ty quản lý khách sạn quy mô nhỏ hơn như: H&K Hospitality, EHG, và Coxi. Trong đó, Coxi là công ty chuyên quản lý vận hành các khách sạn Boutique với quy mô và số lượng dưới 100 phòng.
3- Các cá nhân cung cấp dịch vụ quản lý vận hành khách sạn
Các cá nhân cũng cấp dịch vụ quản lý vận hành khách sạn thường là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn và từng giữ vị trí Quản lý khách sạn của các khách sạn 3-4-5 sao. Rất nhiều Chủ khách sạn nhỏ sử dụng dịch vụ quản lý vận hành của các cá nhân này, họ vừa đóng vai trò đối tác vừa đóng vai trò người làm thuê cho các chủ khách sạn.
Đối với Chủ khách sạn thì ưu điểm của hình thức này là lợi thế thương lượng và đàm phán hợp đồng, các điều khoản hợp đồng hợp tác thường sẽ đơn giản và linh hoạt hơn, cho phép Chủ khách sạn có thể chấm dứt hợp đồng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhiều nhược điểm như: những bất ổn liên quan tới cá nhân Nhà quản lý khách sạn như tình trạng ốm đau, việc gia đình đột xuất; việc thiếu tính chuyên nghiệp trong các tương tác công việc với Chủ khách sạn; thiếu sự cập nhật thông tin và nhận định đa chiều thường chỉ có ở các tổ chức, nơi có nhiều chuyên gia tham gia vào quá trình xử lý công việc. Tất cả những yếu điểm này khiến cho Chủ khách sạn có xu hướng tìm kiếm một Tổ chức chuyên nghiệp giúp họ quản lý và vận hành khách sạn của mình.