top of page

Phân biệt giữa Quản lý Tài sản & Quản lý Vận hành Khách sạn ?

Quản lý khách sạn và Quản lý tài sản là hai khái niệm thường được sử dụng chồng chéo lẫn nhau, nhưng về bản chất hai hoạt động này được thực hiện song song: Hoạt động quản lý tài sản hướng nhiều hơn tới các lợi ích tài chính dài hạn, cụ thể là giá tăng Giá trị định giá của Khách sạn, còn hoạt động Quản lý khách sạn hướng nhiều hơn tới việc mang lại những lợi ích kinh tế ngắn hạn, cụ thể là tối ưu chi phí, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.


Quản lý vận hành khách sạn là gì?


Quản lý Khách sạn là một lĩnh vực kinh doanh và nghiên cứu liên quan tới hoạt động kinh doanh và vận hành khách sạn và một loạt các chủ đề liên quan từ: Kế toán, tài chính, hệ thống thông tin, quản trị nguồn nhân lực, quan hệ công chúng, chiến lược, tiếp thị, bán hàng, … Một công ty Quản lý khách sạn sẽ giúp chủ sở hữu khách sạn xây dựng bộ máy nhân sự, áp dụng các quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn chất lượng, và hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu phù hợp, giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh, mang hiệu quả tài chính cho chủ khách sạn. Họ đảm bảo rằng khách sạn được tổ chức và vận hành một cách hợp lý và hiệu quả. Hoạt động này cũng được áp dụng cho bất cứ tài sản nào cung cấp dịch vụ lưu trú như: Resort, Hostel, Motel (Nhà nghỉ),...



Quản lý Tài sản Khách sạn là gì?


Quản lý Tài sản Khách sạn là một phạm trù rộng hơn Quản lý khách sạn, thiên về tài chính và đầu tư hơn. Quản lý Tài sản vốn là một lĩnh vực Quản lý các danh mục đầu tư nhằm đảm bảo tối ưu giá trị tổng danh mục trong dài hạn cho người chủ của danh mục – người chủ của tài sản. Như vậy, Nhà Quản lý Tài sản Khách sạn sẽ hoạt động đại diện cho quyền lợi của chủ đầu tư, vì lợi ích dài hạn của chủ đầu tư, chủ sở hữu Bất động sản Khách sạn.


Quản lý Tài sản Khách sạn có phải là Quản lý Tài sản Bất động sản?


Khách sạn là một loại hình Bất động sản thương mại. Bất động sản là một tài sản tài chính có khả năng tăng trưởng giá trị trong dài hạn và tạo ra được những lợi ích trong ngắn hạn. Do vậy, Quản lý Tài sản Khách sạn là một dạng Quản lý Tài sản bất động sản. Một nhà Quản lý Tài sản Khách sạn sẽ là người giúp chủ sở hữu, chủ đầu tư Khách sạn đánh giá tiềm năng của một dự án Khách sạn trong tương lai hoặc một Khách sạn đã hoàn thiện ở hiện tại, kiểm tra việc quản lý ngân sách, chiến lược marketing, lịch bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất & thiết bị, các khoản mục đầu tư để đảm bảo khai thác tối ưu tiềm năng kinh doanh đồng thời giúp gia tăng giá trị trong dài hạn của khách sạn.


Nhà quản lý tài sản mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu khách sạn?


Chọn được đúng thị trường khách hàng mục tiêu là một trong những quyết định quan trọng nhất mà người chủ khách sạn cần đưa ra, từ đó tối đa hóa lợi ích đầu tư trong dài hạn cho chủ khách sạn. Nhà quản lý Tài sản sẽ giúp chủ đầu tư trả lời các câu hỏi như : “Khu vực này có dòng khách nào tiềm năng?”, “Liệu ở đây có phù hợp để cung cấp dịch vụ cao cấp không? Hay sẽ phù hợp hơn nếu hướng tới đối tượng khách bình dân?”, “Liệu khách sạn có thể linh hoạt thích nghi với sự thay đổi của thị trường?”, “Những rủi ro tiềm tàng của vị trí kinh doanh khách sạn này là gì?”.v.v.


Một người quản lý tài sản cũng sẽ giúp chủ khách sạn tối ưu giá trị định giá trong tương lai của khách sạn. Trách nhiệm của họ là phải đảm bảo giá trị trong dài hạn của khách sạn sẽ không bị hy sinh bởi ích lợi trong ngắn hạn.


Một ví dụ cho việc hy sinh ích lợi trong ngắn hạn của khách sạn là việc khai thác quá mức công suất phòng để tối ưu doanh thu trong ngắn hạn, nhưng lại ít các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất cho việc hoạt động lâu dài. Hay việc khai thác tối đa doanh thu bằng cách bán phòng bằng mọi giá, bất chấp những bình luận xấu của khách hàng, hay những ảnh hưởng về danh tiếng khách sạn.


Một khách sạn muốn duy trì chất lượng trong dài hạn cần phải có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất tốt, điều này giúp tăng độ bền của các thiết bị, tiết kiệm chi phí tái đầu tư trong tương lai, từ đó mang lại lợi nhuận và giá trị gia tăng cho khách sạn.


Một nhà quản lý tài sản cũng sẽ luôn luôn tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập cho khách sạn, đó có thể là một khu vực trong khách sạn/resort chưa được khai thác, hoặc một sự kết hợp khiến cho gia tăng nguồn doanh thu. Điều này giúp gia tăng giá trị cho hoạt động vận hành, và tổng thể giúp gia tăng định giá của khách sạn.


Cơ hội gia tăng doanh thu có thể đến từ việc cải tạo để gia tăng số lượng phòng trong khách sạn nếu điều kiện cho phép, hoặc mở thêm dịch vụ spa nhằm thúc đẩy doanh số bán vào cuối tuần và thu hút thêm lượng khách cao cấp hơn, từ đó giúp tăng giá bán phòng trung bình (ADR) tại khách sạn. Cơ hội có thể đến từ việc chuyển công năng một số phòng dành cho khách trở thành phòng họp, phòng sự kiện nhằm phục vụ khách công vụ và nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó mang lại một nguồn doanh thu và một nguồn khách mới. Bất cứ cơ hội nào giúp gia tăng lợi nhuận cho Khách sạn đều sẽ giúp gia tăng thu nhập cho chủ đầu tư Khách sạn.


Vì tất cả những yếu tố nói trên, giữa Chủ đầu tư khách sạn và Nhà quản lý tài sản là một mối quan hệ đối tác, vượt ra khỏi mối quan hệ mua – bán dịch vụ (quản lý khách sạn) thông thường. Đó là một mối quan hệ dài hạn.



 





16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page